Những ngôi chùa lâu đời đẹp nhất Việt Nam

Cập nhật: 12-04-2018 05:43:06 | Chùa Việt | Lượt xem: 1756

Những ngôi chùa lâu đời đẹp nhất Việt Nam, mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng của dân tộc.

1.Chùa Một Cột – Đóa hoa sen giữa thủ đô nghìn năm văn hiến:

Chùa Một Cột là ngôi chùa lâu đời được đặt tại thủ đô Hà Nội. Chùa có tên gọi khác là Diên Hựu Tự hoặc Liên Hoa Đài. Đây được xem là một trong những ngôi chùa lâu đời có kiến trúc độc đáo tại Việt Nam, với chỉ một cột trụ vững giữa hồ sen Linh Chiếu. Tương truyền vào năm 1049, vua Lý Thái Tông đã mơ thấy Phật Bà Quan Âm ngồi trên một tòa sen lớn. Sau khi tỉnh dậy và thuật lại giấc mơ cho nhà sư Thiền Tuệ, vua Lý đã dựng một ngôi chùa với cột đá theo đúng như chiêm bao.

Ngày nay, chùa một cột không chỉ mang giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là một địa điểm du lịch được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến. Không những thế, kiến trúc độc đáo của chùa Một Cột còn nhiều lần xuất hiện trên những kênh truyền hình nước ngoài như một biểu tượng văn hóa của thủ đô ngàn năm văn hiến.

2.Chùa Dâu – Ngôi chùa cổ nhất Việt Nam:

Chùa Dâu hay còn có tên khác là chùa Thiền Định, chùa Duyên Ứng, Pháp Vân, là ngôi chùa lâu đời nhất tại Việt Nam, được xây vào thế kỷ thứ 3. Ngôi chùa này được xem là trung tâm phật giáo cổ xưa và là cái nôi của Phật giáo tại Việt Nam. Dù không có nhiều điểm nổi bật về kiến trúc, nhưng chùa Dâu vẫn luôn được đánh giá là danh lam bậc nhất từ xưa đến nay của xứ Bắc Ninh nói riêng và cả Việt Nam nói chung.

Chùa Dâu có kiến trúc đơn giản, tinh tế.

Một trong những ấn tượng khó có thể quên được ở chùa Dâu Bắc Ninh là những pho tượng thờ. Ở gian giữa chùa có tượng Bà Dâu, hay nữ thần Pháp Vân, uy nghi, trầm mặc, màu đồng hun, cao gần 2 m được bày ở gian giữa. Tượng có gương mặt đẹp với nốt ruồi to đậm giữa trán gợi liên tưởng tới những nàng vũ nữ Ấn Độ, tới quê hương Tây Trúc. Ở hai bên là tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ. Do chùa Đậu (Bắc Ninh) bị Pháp phá hủy, nên tượng Bà Đậu (Pháp Vũ) cũng được đưa về thờ ở chùa Dâu Bắc Ninh. Tượng Pháp Vũ với những nét thuần Việt, đức độ, cao cả. Những tượng này đều có niên đại thế kỷ 18.

Hàng năm, vào ngày 8/4 âm lịch được coi là ngày sinh của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni, nhân dân trong vùng lại nô nức, tưng bừng mở hội chùa Dâu Bắc Ninh. Đây là một lễ hội lớn, nổi tiếng đã đi vào câu ca dân gian:

“Dù ai đi đâu về đâu

Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về

Dù ai buôn bán trăm nghề

Tháng Tư ngày Tám thì về hội Dâu.

3-Chùa Giác Lâm miền Nam:

Đặc điểm về lịch sử, văn hóa đã khiến cho hầu như những công trình kiến trúc tôn giáo nổi bật và lâu đời đều được tọa lạc tại khu vực miền Bắc. Điều này khiến cho việc du lịch tâm linh tại miền Nam trở nên khan hiếm và một trong những chốn thanh tịnh có quy mô lớn duy nhất chính là chùa Giác Lâm.

Chùa được xây dựng từ những năm 1774, hiện đang tọa lạc tại số 118, đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, tpHCM. Chùa nổi bật bởi sự tinh xảo trong việc chạm khắc từng chi tiết nhỏ nhất, thêm vào đó là kiến trúc độc đáo, tạo nên sự yên tĩnh, nhẹ nhàng, thư thái giữa thành phố phồn hoa, nhộn nhịp.

Chùa Giác Lâm được biết đến qua các tên gọi: Cẩm Sơn, Sơn Can hay Cẩm Đệm. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam Việt Nam. Giác Lâm là một trong những ngôi chùa được xây dựng sớm nhất ở đất Gia Định – Sài Gòn còn tồn tại đến ngày nay.

4-Chùa Báo Quốc – Thừa Thiên Huế:

Chùa Báo Quốc được xây dựng giữa năm 1747, và được mang tên là chùa Báo Quốc vào năm 1824. Tọa lạc trên đồi Hàm Long, đường Báo Quốc, phường Phường Đúc, thành phố Huế, chùa là một quần thể tôn giáo lớn và được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa thích. Đến với chùa Báo Quốc, du khách có thể chiêm ngưỡng những nét tinh hoa trong kiến trúc chùa, được nghe sư thầy tụng kinh và tận hưởng sự thanh thản, thư giãn trong tâm hồn

Vào thời Nguyễn, chùa đã được trùng tu nhiều lần. Năm 1808, Hoàng hậu Hiếu Khương cho tái thiết ngôi chùa, xây tam quan, đúc đại hồng chung (nặng 836 cân), bảo khánh... và đổi tên là chùa Thiên Thọ. Thiền sư Phổ Tịnh được cử làm trụ trì trong thời gian này.

Năm 1824, Vua Minh Mạng ngự thăm chùa và sắc lấy tên "Báo Quốc Tự". Nhà vua đã tổ chức đại giới đàn tại chùa nhân lễ tứ tuần khánh thọ vào năm 1830.

Đến năm 1858, do chùa bị hư hỏng nhiều, Vua Tự Đức và Hoàng Thái hậu Từ Dũ đã ban tiền trùng tu ngôi chánh điện và các công trình khác. Chùa đã được liên tiếp trùng tu, mở rộng đến thế kỷ XIX.

 Năm 1935, Trường sơ đẳng Phật học được mở tại chùa. Đến năm 1940, Trường cao đẳng Phật học cũng lại được mở tại đây. Chùa trở thành một trung tâm đào tạo Tăng Ni cho đến ngày nay.

Năm 1957, Giáo hội Tăng già Thừa Thiên và Ban Quản trị chùa đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa. Hòa thượng Thích Trí Thủ, vừa là Giám đốc Phật học đường, vừa là trụ trì chùa, đã có những đóng góp to lớn cho Phật giáo nói chung và cho việc tái thiết ngôi tổ đình trang nghiêm với nét kiến trúc cổ kính nói riêng.

 Trụ trì ngôi chùa là Hoà thượng Thích Đức Thanh. Chùa là ngôi cổ tự nổi tiếng ở Huế xưa nay.(St)

Ý kiến phản hồi

Gửi Phản hồi


V . Quê Hương Việt Nam q Bước đầu học Phật