Những ngôi chùa nên ghé thăm khi đến Hải Phòng

Cập nhật: 16-04-2019 03:25:41 | Miền Bắc | Lượt xem: 811

Hải Phòng là một thành phố ven biển nằm trong vùng tam giác trọng điểm và có nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách.Ngoài biển Đồ Sơn và Cát Bà, nơi đây còn là mảnh đất Phật linh thiêng với những ngôi chùa hàng trăm năm lịch sử.

 Chùa Dư Hàng

Là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được xếp hạng từ năm 1986, chùa Dư Hàng ở địa chỉ số 121 phố Dư Hàng (quận Lê Chân). Du khách tới đây tìm hiểu về lịch sử ngôi chùa có nguồn gốc hàng nghìn năm với nhiều giá trị về kiến trúc và văn hóa gắn với truyền thống đạo Phật của người phương Đông.

Chùa Dư Hàng có nguồn gốc từ Tiền Lê (980 - 1009). Chùa được xây mới năm 1672, khi quan Đô úy Nguyễn Đình Sách từ quan xuất gia, pháp hiệu Chân Huyền đảm nhiệm. Đến đời Thành Thái, vào năm 1899, Hòa thượng Thông Hạnh trùng tu ngôi chùa và cho xây gác chuông. Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử nhưng ngôi chùa vẫn được gìn giữ, bảo tồn nhờ công sức của bao thế hệ tăng ni, phật tử.

Quang cảnh chùa hiện vẫn giữ được giá trị kiến trúc của quần thể gần gũi với thiên nhiên, thanh bình giữa lòng thành phố. Bước qua tam quan, dừng lại khoảng sân rộng ngắm ngôi chùa được xây theo kiểu chữ "đinh", mỗi du khách lắng lòng mình để thắp nén hương thơm trước chính điện.

Chùa Dư Hàng có kiến trúc bề thế, khuôn viên hoàn chỉnh, gồm tòa Phật điện 7 gian, gác chuông cao 3 tầng, mái đao cong vút, quả chuông đồng cỡ lớn, chữ đề: "Phúc Lâm tự chung", nghĩa là chuông chùa Phúc Lâm. Chùa còn có một gác chuông 5 gian 2 tầng, treo một quả chuông lớn. Tiền đường cách gác chuông một sân rộng; bên phải là 5 gian nhà tổ, nhà thọ trai và nhà ngang; bên trái là 5 gian nhà hậu.

 Chùa Đỏ

Ngôi chùa cổ Linh Độ Tự - tên thường gọi là chùa Đỏ - xưa thuộc xã Đông Khê huyện An Dương phủ Kinh Môn Đạo, Hải Dương, toạ lạc trên khu bãi bồi.

Thường khi có thấy người chết trôi dạt vào, quan nha khám nghiệm tử thi bắt dân sở tại phải phục dịch và hay hạch sách, phiền nhiễu dân làng nhiều. Do đó người ta nhường khu bãi bồi ấy cho Đông Khê, xã đầu tổng lại có nhiều người đậu đạt làm quan không sợ bị hạch sách, dân làng dựng một ngôi chùa nhỏ ở khu gò cao gần bờ sông thờ Phật, cầu Như Lai độ cho linh hồn những người xấu số.

Cô hồn từ đó có nơi nương tựa, chùa nổi tiếng linh ứng. Tên Linh Độ có xuất xứ từ đó. Tuy nhiên Chùa còn có tên gọi dân dã là chùa Đỏ. Theo truyền ngôn, năm Mậu Tuất (1288) Hưng Đạo Vương khi đến vùng An Dương để nghiên cứu trận thuỷ chiến tiêu diệt đoàn thuyền Ô Mã Nhi rút chạy qua cửa Bạch Đằng, có đội hoả đầu quân ở chùa Linh Độ Tự lo việc phục dịch ăn uống cho bộ chỉ huy chiến dịch. Chùa vốn là nơi am thanh cảnh vắng, khi đội hoả đầu quân đến đóng, bếp luôn đỏ lửa.

Sau khi Trần Hưng Đạo qua đời, dân làm hai ngôi miếu ở hai bên chùa để thờ Ngài và các bộ tướng thân tín là các con trai và con rể, tức Điện soái Phạm Ngũ Lão.

Chùa Cao Linh

Chùa Cao Linh là một trong những ngôi Chùa có cảnh quan đẹp và hấp dẫn ở Hải Phòng được xây dựng từ năm 2001 với những công trình kiến trúc đẹp và đồ sộ.

Chùa Cao Linh với diện tích 49.0002, nằm ở phía tây cửa ngõ của thành phố, giữa một vùng đất cao ráo rộng lớn, thuộc địa bàn trang Hà Liên, nay là thôn Bắc Hà xã Bắc Sơn – huyện An Dương – thành phố Hải Phòng.

Với đường nét xây dựng độc đáo, nghệ thuật kiến trúc đậm đà bản sắc văn hóa Phật Giáo, trong tương lai chùa là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của những người con Phật trong khắp nội ngoại thành phố, là điểm tham quan du lịch của các du khách trong và ngoài nước, và cũng là điểm nhấn nổi bật trong toàn cảnh khu danh thắng du lịch nổi tiếng Núi Voi.

(Tổng hợp-Hoa sen Phật giáo)

 

 

Ý kiến phản hồi

Gửi Phản hồi


V . Quê Hương Việt Nam q Bước đầu học Phật