2.000 tuổi - Chùa Dâu,trung tâm Phật giáo cổ nhất Việt Nam

Cập nhật: 20-06-2019 03:15:25 | Miền Bắc | Lượt xem: 1030

Chùa Dâu ở Bắc Ninh là nơi khởi nguồn tín ngưỡng thờ Tứ pháp - bốn vị nữ thần tương ứng với các hiện tượng mây, gió, sấm, chớp.

Chùa Dâu (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) được khởi dựng năm 187 và hoàn thành năm 226 ở vùng Dâu, thành Luy Lâu. Nơi đây được coi là trung tâm Phật giáo đầu tiên của Việt Nam và nơi khởi nguồn tín ngưỡng thờ Tứ pháp - 4 vị nữ thần hình thành từ sự kết hợp giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian của người Việt. 

Điểm nhấn về kiến trúc của chùa Dâu là tháp Hòa Phong cao khoảng 17 m nằm giữa sân. Toà tháp có kết cấu bằng gạch mộc nung thủ công. Năm 1313, dưới triều của vua Trần Anh Tông, trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đã tu bổ chùa và cho xây dựng ngôi tháp 9 tầng, đến nay chỉ còn lại 3. Trên tầng hai của tháp có tấm bảng khắc ba chữ “Hòa Phong tháp”. Bên trái tòa tháp là tấm bia đá dựng năm 1738, bên phải là tượng cừu đá có từ 1.800 năm trước.

Bên trong tháp có bộ chuông khánh bằng đồng đúc lần lượt vào năm 1793 và 1817. Khi xưa, trong dân gian lưu truyền câu thơ về tháp: “Dù ai đi đâu về đâu/ Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về”.

Tháp Hoà Phong có 4 cửa vòm ở mỗi tầng. Tại các góc ở chân tháp có bệ thờ “Tứ vị Thiên Vương” với quan niệm đây là các vị thần cai quản bốn phương trời. Tượng làm từ gỗ phủ sơn, cao 1,6 m và có niên đại từ thế kỷ 18.

Chùa Dâu có kiến trúc theo lối “nội công ngoại quốc” với hai hành lang dài nối nhà tiền đường ở phía trước với hậu đường (còn gọi là nhà tổ hay nhà tăng) phía sau, tạo thành tổng thể hình chữ nhật bao lấy nhà thiêu hương, thượng điện và các kiến trúc khác ở giữa.

Tại nhà thượng điện, bục cao nhất của gian giữa đặt pho tượng bà Dâu hay nữ thần Pháp Vân, một trong Tứ Pháp, theo tín ngưỡng bản địa của người Việt kết hợp với Phật giáo Ấn Độ. Tứ Pháp gồm các nữ thần Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện tương ứng với các hiện tượng tự nhiên là mây, gió, sấm, chớp. Chất liệu tạo nên bộ tượng đến nay vẫn chưa có câu trả lời khoa học, chỉ dựa vào truyền thuyết là gỗ cây dung thụ. Theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hữu Toàn công bố trên tạp chí Di sản văn hóa năm 2006, dung thụ có thể là một loại cây không có thật với ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn. Chất liệu làm nên bốn bức tượng theo phỏng đoán là một cây cổ thụ trong chốn rừng thiêng.

Khoảng sân chùa nhìn ra tháp Hòa Phong. Tại chùa còn lưu giữ khoảng 100 tượng thờ các loại, trong đó có nhiều tác phẩm được coi là mẫu mực của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam. Chùa Dâu là niềm tự hào của xứ Kinh Bắc xưa nay, đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2013.(Kiều Dương)

Ý kiến phản hồi

Gửi Phản hồi


V . Quê Hương Việt Nam q Bước đầu học Phật