Mười nghiệp lành.

Cập nhật: 24-07-2018 04:12:52 | Lời Phật dạy | Lượt xem: 858

Con đường mười nghiệp lành.

1- Không sát sanh: Người cư sĩ tại gia mới tu, trước hết là không giết người. Chẳng những tự thân mình không giết người, mà miệng cũng không xúi bảo người giết và ý cũng không thích vui khi nghe người giết nhau. Quí vị thấy giữ một giới không giết người có dễ không? Thân không giết thì dễ rồi, miệng không bảo người giết cũng có thể giữ được. Nhưng ý không giết thì khó, vì nếu kẻ đó là người gây cho mình nhiều khổ đau, khi nghe họ chết thì mình cảm thấy vui. Ðó là ý giết người. Thế nên ý giết người khó tránh. Người nào gây khổ đau cho mình, khi nghe họ bị hại, mình không khởi tâm vui mừng mà lòng cảm thấy thương xót, như thế mới thật là giữ giới không giết người. Ðó là nấc thang thứ nhất của người tu. Tu như vậy cũng chưa đủ vì chỉ được quả đời sau không bị người giết. Thế nên phải tu thêm nữa, là đối với những con vật lớn như trâu, bò, heo, chó … cũng không giết.

2- Không trộm cướp: Không trộm cướp cũng giữ từ thô đến tế. Hàng cư sĩ tại gia giữ giới không trộm cướp là không lấy của người khi chủ nó không cho. Cho đến tiền của, súc vật, cây cỏ … chủ không cho mà tìm cách lừa gạt để thuộc về mình, đều gọi là trộm cướp.

3- Không tà hạnh: Người cư sĩ tại gia khi đã có gia đình chỉ một chồng một vợ, tình cảm không đổi thay, không lang chạ với những người nữ người nam khác. Còn người xuất gia là phải sống độc thân giữ phạm hạnh, không được dâm dục.

Không sát sanh, không trộm cướp, không tà hạnh là ba nghiệp lành của thân.

4- Không nói dối: Nói dối là chuyện có nói không, chuyện không nói có, nói trái với sự thật để mưu cầu quyền thế, danh lợi … cho mình. Ngược lại nói đúng với sự thật là không nói dối. Trong giới không nói dối có những trường hợp châm chước, chẳng hạn nói trái với sự thật để cứu người cứu vật thì không phạm. Nói dối đó là vì lòng từ bi làm lợi ích cho người vật, chớ không phải vì lòng tham. Phật dạy không nói dối mà phải nói lời chân thật.

5- Không nói hai lưỡi: Nói hai lưỡi là nói chia lìa giữa hai người thân nhau. Ví dụ trong gia đình, hai anh em đang thuận hòa. Có người nói với người em: “Anh chú nói chú là người tham lam, háo danh, háo lợi …”. Rồi tới người anh nói: “Em chú nói chú là người điêu ngoa xảo trá …”. Hai anh em nghe nói thế, buồn lòng bất hòa nhau. Ðó là nói hai lưỡi. Trong phạm vi gia đình xã hội thì gọi là nói hai lưỡi. Rộng đến quốc gia quốc tế dùng trong lãnh vực chánh trị thì gọi là nói ly gián. Phật dạy không nên nói hai lưỡi mà phải nói thuận hòa.

6- Không nói lời hung dữ: Là không nói lời ác như nói thô tục, mắng nhiếc, chửi bới, trù rủa người. Do ác khẩu đưa đến đánh đập chém giết lẫn nhau, gây đau khổ cho nhau từ gia đình đến xã hội. Vì vậy Phật dạy phải nói lời hiền thiện ôn hòa hằng xa lìa lời nói ác.

7- Không nói lời trau chuốt: Nói trau chuốt là nói bóng bẩy, ngoa mị không trung thực, nói cốt để lừa bịp người thủ lợi cho mình. Hoặc nói để mê hoặc người đi vào vòng tội lỗi. Phật dạy không nên nói trau chuốt, phải tránh xa, mà nên nói lời ngay thật.

Không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời hung dữ, không nói lời trau chuốt là bốn nghiệp lành của miệng, người tu theo Phật phải thực hành.

8- Không tham dục: Tham dục là ưa thích say mê thụ hưởng năm món dục lạc ở thế gian như tài, sắc, danh, thực, thùy (tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ). Ngũ dục tế hơn là sắc, thanh, hương, vị, xúc. Nghĩa là những hình tướng nhan sắc đẹp mà người mê đắm gọi là tham sắc. Những âm thanh êm ái du dương, người tham đắm gọi là tham thanh. Những hương thơm, người tham đắm gọi là tham hương. Những vị ngon, ngọt, béo …, người tham đắm gọi là tham vị. Những xúc chạm êm ái, người tham đắm gọi là tham xúc. Vậy năm dục thô hay tế mà người mê đắm gọi là tham dục.

9- Không sân giận: Sân nhuế là nóng giận, đối với cảnh vừa ý sanh lòng vui thích đắm mê, đối với cảnh trái ý nghịch lòng sanh tâm nóng nảy tức giận. Sân thô thì miệng la lối mắng chửi tay đánh chân đá. Tế hơn thì miệng không nói, tay chân không hoạt động, nhưng sắc mặt đổi, trong lòng nóng nảy bực bội. Tế hơn nữa lòng không bực bội mà không vui. Ðó là hiện tướng sân từ thô đến tế. Người tu hết sân là khi nào bị mắng chửi, hay bị đối xử tệ bạc, mà vẫn thản nhiên lòng không giận không buồn, lại khởi tâm thương cho người mê muội đang tạo tội lỗi. Tâm trạng này chỉ có Phật và Bồ-tát mới thực hiện được.

10- Không tà kiến: Tà kiến là thấy lệch tin lầm. Sở dĩ thấy lệch tin lầm là do si mê, thiếu trí tuệ mà ra. Nếu kể thì nhiều vô số, ở đây tôi chỉ nêu những việc căn bản và những lỗi Phật tử thường vấp phải. Như trước tôi đã đề cập thường kiến, tức là tin mình có một linh hồn sau khi chết còn hoài không mất. Và đoạn kiến thì tin rằng thân này do tứ đại hợp thành, sau khi chết tứ đại rã tan không còn gì hết.

Người Phật tử chân chánh phải có nhận định đúng với đạo lý, lúc nào cũng biết không có việc gì ngẫu nhiên đến, mà do phước nghiệp đời trước, cho nên cố gắng làm lành để vun bồi thêm phước đức.

Nguồn : phatgiao.vn

Ý kiến phản hồi

Gửi Phản hồi


V . Quê Hương Việt Nam q Bước đầu học Phật