Chùa Keo độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê-nét đẹp ngàn xưa

Cập nhật: 15-04-2018 03:41:37 | Miền Bắc | Lượt xem: 1736

Nằm ở chân đê sông Hồng thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, chùa Keo hay Thần Quang tự nổi bật với gác chuông tựa đóa sen vươn lên giữa những cánh đồng lúa phì nhiêu của tỉnh Thái Bình.

Thật hạnh phúc khi được về thăm chùa Keo để cảm nhận vẻ thanh tịnh, yên bình và chiêm ngưỡng công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê.

Điều đầu tiên mà chúng ta cảm nhận được là không gian tĩnh lặng của chốn Phật trang nghiêm, thi thoảng có tiếng chim Chèo Bẻo vang lên giữa bầu trời xanh. Đi qua chiếc sân nhỏ có lát đá tảng, núp dưới tán lá bồ đề cổ thụ xòe bóng râm mát là tamquan ngoại. Đó là nơi mà chúng ta có thể dừng nghỉ chân để ngắm toàn cảnh chùa Keo từ bên ngoài.

Từ Tam quan ngoại, theo con đường gạch phủ màu đất, nhuốm màu thời gian uốn quanh hồ nước, rẽ phải hoặc rẽ trái đều dẫn lối đến hai cổng tò vò, ở giữa là Tam quan nội.

Bước qua một sân cỏ rộng xanh non, mềm mại với những bông cỏ lau trắng đu đưa theo gió chiều, lối nhỏ đưa chúng ta vào thắp hương tại khu chùa Phật. Khu chùa Phật gồm chùa ông Hộ, tòa Thiêu Hương (ống muống) và điện Phật. Đây là nơi tập trung nhiều nhất các pho tượng Phật có giá trị nghệ thuật cao vào thế kỉ XVII – XVIII.

Khu đền Thánh được nối tiếp với khu thờ Phật gồm tòa Giá Roi, tòa Thiêu Hương, tòa Phục Quốc và Thượng điện. Những công trình này được kết cấu theo kiểu chữ công. Nét nổi bật ở đây là tượng Thánh Không Lộ. Đây là một pho tượng được tạc vào thời Lý (1094) bằng gỗ trầm hương. Tương truyền rằng tượng giống hệt như Thánh Tổ Không Lộ khi ngài còn sống. Hiện nay tượng đang được thờ tại tòa Thượng điện.

Đi ra bằng lối cửa sau tòa Thượng điện, chúng ta sẽ được hít thở một luồng khí mát dưới bóng cây Đại cổ thụ mấy trăm năm in bóng xuống hòn non bộ. Chúng ta sẽ vô cùng ngạc nhiên và lạ lẫm khi nhìn thấy quả của cây hoa đại. Chưa bao giờ nghe ai nói đến là cây hoa Đại có quả vì vậy lần đầu được tận mắt nhìn thấy chắc hẳn chúng ta vô cùng thích thú.

Theo dãy hành lang phía Đông, nơi cuối sân là chiếc giếng khơi chôn mình bên cạnh gốc cây ngọc lan đang tỏa hương thơm ngát. Một cụ già trong làng đang múc những gầu nước trong mát từ dưới giếng lên để các cụ già khác lấy nước cho việc bao sái tượng (tắm tượng). Phía đối diện với giếng nước có những tấm biển có vẽ  hình ảnh minh họa rất chân thực, sống động về đạo lý nhân quả ba đời khuyên răn và dạy dỗ người đời.

Gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê. Khách tham quan khi qua đây có thể dùng dùi gỗ đánh vào để nghe những âm thanh mang nhiều cung bậc khác nhau phát ra từ khánh đá.

Theo lối hành lang nhỏ và hẹp chưa đến 1m ở phía tay phải của gác chuông, chúng ta sẽ tới thắp hương ở Cửa Mẫu, nhà thờ Tổ và tham quan khu tăng xá. Đây là nơi mà các tăng ni phật tử và mọi người dừng chân ngồi nghỉ ngơi và có thể mua những bó hương bài rất thơm do nhà chùa làm để về cúng gia tiên.

Chùa Keo mở hội Xuân vào ngày mồng bốn tháng Giêng âm lịch, nhưng hội Thu mới là hội chính, kỷ niệm ngày thiền sư Không Lộ qua đời, được tổ chức từ 13 - 15 tháng Chín âm lịch. Trong ngày hội này có tổ chức rước kiệu, hương án, long đình, thuyền rồng và tiểu đỉnh. Tại chùa có cuộc thi diễn xướng về đề tài lục cúng gồm hương, đăng, hoa, trà, quả, thực rất sinh động. Trên dòng sông Trà Lĩnh ngang trước chùa có tổ chức các cuộc thi bơi thuyền, bơi trải, thi kèn và trống, thi têm trầu cánh phượng và diễn xướng điệu múa cổ gọi là “múa ếch vồ” phản ánh cuộc sống và văn hóa nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc bộ thu hút rất đông khách thập phương…

Lễ hội chùa Keo được diễn tả khá thú vị qua ca dao:

“Dù cho cha đánh mẹ treo

Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm”

(ST)

 

 

Ý kiến phản hồi

Gửi Phản hồi


V . Quê Hương Việt Nam q Bước đầu học Phật